Lắp đặt giàn sấy đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa hàng hóa, bền vững
2022-09-21 10:30:08

 

Thay cho hình thức phơi thóc thủ công vất vả và rủi ro cao, giờ đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị sấy hay còn gọi là giàn sấy thóc. Khắc phục khó khăn về thời tiết, sân phơi, giúp nông dân tiết kiệm nhân lực, chi phí bảo quản sản phẩm, nâng cao chất lượng gạo là những ưu điểm mà giàn sấy thóc mang lại.

Gia đình anh Ngô Văn Chuẩn, thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong tích tụ ruộng, sản xuất gần 30 ha lúa, sản lượng thóc mỗi vụ đạt 180 – 230 tấn. Từng gặp nhiều bất cập, khó khăn khi phơi thóc thủ công, năm 2019, gia đình anh Chuẩn đầu tư trên 300 triệu đồng lắp đặt giàn sấy thóc, công suất sấy 12 tấn thóc/mẻ, mỗi mẻ 12 – 15 tiếng đồng hồ. Qua nhiều vụ sản xuất, giàn sấy đã khẳng định được tính ưu việt rõ rệt. Anh Chuẩn cho biết: “Gia đình lắp đặt máy sấy đến nay cũng được 4- 5 vụ, nói chung hiệu quả thứ nhất là năng suất rất cao, nhanh và gọn, thứ 2 là cái chất lượng của thóc sấy ra được hạt gạo rất tốt”.

Bảo đảm việc phơi sấy, bảo quản 45 - 50 tấn thóc mỗi vụ sản xuất, gia đình anh Lê Văn Tuấn, cùng thôn cũng đầu tư lắp đặt giàn sấy. Sau 2 năm sử dụng, giàn sấy đã khẳng định hiệu quả. “Nhà tôi cấy khoảng 15 mẫu, trước kia khi chưa có máy sấy, gặt về nhiều khi phải bán lúa non, nhiều khi mưa gió, phơi rất vất vả. Từ ngày mua máy sấy về, là yên tâm, gặt về đến nơi đổ vào máy sấy luôn, sau đó sấy khoảng 15 – 20 tiếng là cho ra, rất là nhàn, không vất vả như mình phải phơi phong ngoài mưa nắng” - anh Lê Văn Tuấn chia sẻ.

Với 17 ha lúa, gia đình anh Nguyễn Đình Sáng, thôn Nội xã Minh Khai dự kiến sẽ thu hoạch được trên 110 tấn thóc. Song do chưa có giàn sấy nên gia đình anh buộc phải bán thóc tươi, dù thời điểm này giá thóc giảm và bị thương lái ép giá. Áp lực lớn về khâu phơi thóc, cộng với cơ chế hỗ trợ kinh phí của tỉnh, tạo động lực để gia đình anh Sáng quyết định sẽ lắp đặt giàn sấy thóc ở vụ tới. Anh Sáng phân trần: “Cái bất cập nhất, trước hết là 1 phần về vốn, vốn cho 1 máy sấy rất tốn kém, thứ 2 về mặt bằng. Kiến nghị của tôi là có 1 sự đồng thuận của xã trở lên để cho gia đình lắp đặt cái giàn sấy tương đối hoàn chỉnh trên đất chuyển đổi chứ không phải trên đất sổ đỏ”

Cùng chung suy nghĩ như vậy, Anh Ngô Văn Chuẩn, thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong cho chia sẻ: “Để mà lắp đặt được giàn sấy như thế này bà con cũng đầu tư rất lớn, đòi hỏi về kinh tế, thứ 2 là mặt bằng, cũng không phải ai cũng có thể làm được. Mong các cấp lãnh đạo, chính quyền từ huyện, xã, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, thứ 2 kinh tế hỗ trợ bà con nông dân lắp đặt hệ thống sấy. Như nhà tôi ở vụ này tổng sản lượng khoảng 180 tấn, nếu không có máy sấy thì không thể sản xuất nổi”

Đến nay, nông dân Vũ Thư đã đưa máy móc, cơ giới hóa hầu hết các khâu sản xuất lúa như gieo cấy, làm đất, thu hoạch, tuy nhiên, hầu hết bà con vẫn thực hiện phơi thóc thủ công. Có giàn sấy hỗ trợ khâu bảo quản thóc sau thu hoạch không chỉ là nhu cầu của các hộ sản xuất lúa quy mô lớn mà của đông đảo nông dân hiện nay. Bà Bùi Thị Lựu, thôn Nhật Tân, xã Tân Hòa cho biết: “Như nhà tôi thì có khoảng độ 4 – 5 sào, chỉ phơi ở sân thôi. Cũng bất tiện chứ, thu hoạch này về mưa nắng, vất vả lắm…Tôi cũng mong mỗi thôn có 1 – 2 chiếc máy sấy để bà con chúng tôi đỡ vất vả”

Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiệncó trên 10 giàn sấy thóc ở một số địa phương: Tân Phong, Tự Tân, Vũ Hội, Vũ Vân… Nhờ có giàn sấy, nông dân chủ động khâu bảo quản, tiêu thụ; tiết kiệm nhân lực, giảm chi phí đầu tư; nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao lợi nhuận sản xuất. Áp dụng giàn sấy không chỉ giúp bà con khép kín việc cơ giới hóa 100% các khâu sản xuất, mà còn là yêu cầu tất yếu nhằm sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, bền vững.


 Tác giả: Bài và ảnh Xuân Tiến

Bài viết mới nhất

0974.828.633